Liệu có một đường dây buôn bán số sim đẹp?
Ông Chính đặt câu hỏi: "Tại sao số điện thoại lại có thể bị đánh cắp một cách dễ dàng như vậy, tôi không hiểu một bằng cách nào mà "kẻ thứ 2" có thể lấy được số sim từ anh Nguyễn Hồng Sơn và chuyển cho anh Nguyễn Thịnh Hoàn nếu không có sự can thiệp của chính nhân viên kỹ thuật".
Tranh cãi chuyện mất số sim 090xxx8888 vẫn chưa ngã ngũ dù MobiFone thông báo chuyển quyền sở hữu về cho người chủ cũ. Giới luật sư cho rằng, mọi việc chỉ có thể phân rõ trắng đen khi có bàn tay can thiệt của cơ quan công an. Khi ấy, khách hàng hoàn toàn có thể kiện nhà cung cấp ra tòa.
. |
Ngay sau khi TS đăng tải thông tin liên quan đến việc mất số sim đẹp khi đang sử dụng, rất nhiều ý kiến độc giả gửi về phản ánh trường hợp tương tự. Theo họ, đã đến lúc, cơ quan chức năng cần vào cuộc để làm rõ trắng đen bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Có thể kiện nhà cung cấp ra tòa
Thạc sĩ Phạm Thanh Bình (Văn phòng Luật sư Hồng Hà) khẳng định, để xảy ra chuyện tranh chấp số sim, trách nhiệm trước hết thuộc về nhà cung cấp dịch vụ, cụ thể ở đây là MobiFone. Khách hàng chỉ là nạn nhân do nhà cung cấp dịch vụ quản lý thuê bao quá lỏng lẻo.
Theo ông, dịch vụ thông tin di động là loại hàng hóa đặc biệt không giống với các loại hàng hóa thông thường. Chẳng hạn, với các loại hàng hóa khác, khách bỏ tiền ra mua, người bán trao hàng và chỉ đảm bảo chất lượng cho đến hết thời gian bảo hành. Việc sử dụng chúng như thế nào cho hiệu quả không phụ thuộc và người bán mà do khách hàng quyết định. Tuy nhiên, với dịch vụ thông tin di động, doanh nghiệp cung cấp phải theo sát khách hàng từ lúc họ đăng ký sử dụng dịch vụ đến khi hợp đồng hết hiệu lực. Trong suốt quá trình này, nhất cử nhất động của khách hàng, từ nhật ký cuộc gọi đi, gọi đến, số tiền trong tài khoản... đều chịu sự quản lý của nhà cung cấp.
"Do vậy, MobiFone không thể vô tội trước việc số sim mà anh Sơn đang sử dụng đột nhiên bị khóa và chuyển cho chủ khác", ông Bình nói. Theo ông, việc anh Hoàn và anh Sơn cùng có hợp đồng sử dụng dịch vụ chứng tỏ MobiFone đã thừa nhận quyền sở hữu hợp pháp số sim 090xxx8888 của cả hai người. Do vậy, cả hai vị khách đều được nhà cung cấp đảm bảo quyền lợi hợp pháp theo các điều khoản ghi trong hợp đồng. Nhà cung cấp dịch vụ chỉ được phép cắt hợp đồng hay khóa chiều gọi đi, đến khi khách hàng yêu cầu.
"Anh Sơn và anh Hoàn đều bị cắt dịch vụ khi đang sử dụng mà không được báo trước, rõ ràng trách nhiệm này thuộc về nhà cung cấp dịch vụ. Vì vậy, MobiFone phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại nếu khách hàng yêu cầu", ông Bình nói.
Việc đại diện MobiFone cho rằng sự cố xảy ra do sơ xuất của đại lý, theo ông Bình, chỉ là cách thức ngụy biện và thiếu trách nhiệm với khách hàng. MobiFone là nhà cung cấp dịch vụ, quản lý kho số, hơn ai hết họ biết được số máy nào đang hoạt động và thuê bao nào đã rời mạng. Chỉ có nhà cung cấp dịch vụ mới được quyền cắt cuộc gọi đi, gọi đến và can thiệp bằng hệ thống kỹ thuật để hủy số của khách hàng. "Nếu xét về Luật dân sự, thì MobiFone đã vi phạm các điều khoản về hợp đồng và trong trường hợp này, khách hàng hoàn toàn có thể kiện nhà cung cấp ra tòa", ông Bình nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm này, Tiến sĩ Phạm Liêm Chính thuộc Đoàn luật sư Hà Nội nhấn mạnh, việc xác định đúng sai, quyền sử dụng hợp pháp thuộc về ai, tại sao lại có sự tranh chấp này cần phải có sự can thiệp của cơ quan công an.
Theo ông, việc khách hàng bị mất số sim ngay trên tay khi đang sử dụng nếu xét theo Luật Hình sự thì hành vi này tương đương với tội cướp của. Nếu hành vi cưỡng đoạt này mà nhận được sự đồng lõa của nhà cung cấp dịch vụ thì đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng. Khách hàng có thể khởi kiện ra tòa để làm rõ sự việc. "Vấn đề còn lại, việc xác minh, ai là người đứng đằng sau vụ việc thì hãy giao nhiệm vụ này cho cơ quan công an", ông nói.
Theo ông, chính kẻ trung gian (người bán số sim cho anh Hoàn) mới là đầu mối của mọi vấn đề. Do vậy, MobiFone cần phối hợp với cơ quan công an điều tra làm rõ vụ việc để tránh xảy ra những trường hợp tương tự. Hơn ai hết anh Nguyễn Thịnh Hoàn là người biết rõ mình mua số sim của ai và hãy thành thật khai báo với nhà cung cấp dịch vụ và cơ quan công an để tiện điều tra. "Biết đâu, qua đó, cơ quan công an có thể phát hiện ra cả một đường dây buôn bán số sim đẹp có tổ chức", ông Chính nói.
Ông Chính cho rằng, sự việc có vẻ đơn giản, nếu không có phản ánh của khách hàng và sự vào cuộc của báo chí thì nhà cung cấp dịch vụ dễ dàng bỏ qua và cho đó là một trong những rủi ro mà người sử dụng có thể gặp phải. Tuy nhiên, nếu dựa trên cơ sở pháp lý thì đây là hành vi vi phạm luật pháp trắng trợn. Cả anh Hoàn và anh Sơn đều bỏ tiền ra mua sim điện thoại và đều được MobiFone cho phép sử dụng dịch vụ. Cả hai anh đều bị khóa chiều gọi đi và đến mà không được báo trước, nếu xét theo hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ thì MobiFone đã không làm tròn trách nhiệm của mình với khách hàng.
Trong trường hợp này cả anh Hoàn và anh Sơn đều có quyền kiện MobiFone ra tòa vì đã đơn phương cắt hợp đồng khi khách hàng đang sử dụng dịch vụ. Theo ông Chính, qua vụ việc này có thể thấy rất rõ cách thức quản lý kho số của MobiFone quá lỏng lẻo. "Đáng lẽ khi người ra khai báo mất số, nhà cung cấp phải kiểm tra trên hệ thống để xác minh tên tuổi, hợp đồng và hóa đơn mua bán số... Bản thân nhân viên đã bất cẩn trong việc xác minh làm rõ vụ việc chỉ nghe một người khai mất máy mất số sim là đã có thể chuyển cho họ sử dụng", ông nói.
"Rõ ràng, trong chuyện này còn rất nhiều uẩn khúc, nếu cơ quan công an vào cuộc chắc chắn sẽ phát hiện ra cả một đường dây mua bán số sim đẹp có tổ chức", ông Chính nói.
Hồng Anh